Vừa qua, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Đại học Đông Á PH Đăk Lăk tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển nông nghiệp tuần hoàn: Kinh nghiệm trong nước và quốc tế”.
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn: Hướng đi bền vững cho phát triển nông nghiệp Đắk Lắk
Tham dự hội thảo có lãnh đạo trường Đại học Đông Á PH Đăk Lăk, ĐH Tây Nguyên, các nhà khoa học và đại diện các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk.
Đại diện các cơ quan, ban ngành tham dự hội thảo
Hội thảo thông qua các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế nói chung, thực trạng phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Đắk Lắk nói riêng, từ đó tìm giải pháp hoàn thiện các mô hình và khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế bền vững theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, mô hình nông nghiệp tuần hoàn gắn với định hướng kinh tế tuần hoàn là cơ hội mà cũng là thách thức của nông nghiệp Đắk Lắk.
TS Trần Thị Lan Hương phát biểu trong buổi hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu đã trình bày rõ một số vấn đề liên quan đến nguyên nhân khiến việc triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Đắk Lắk và Tây Nguyên còn hạn chế.
Các nhà khoa học đã đề xuất ba yêu cầu với lộ trình đầu tư tương lai gần của nông nghiệp Đắk Lắk, dựa trên mô hình chuẩn về nông nghiệp tuần hoàn.
- Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý hình thành, cơ chế hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
- Thứ hai, địa phương phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, mạnh dạn để doanh nghiệp là hạt nhân tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã.
- Cuối cùng, phải tập trung nâng cao nhận thức người nông dân, giúp thay đổi tư duy, thói quen sản xuất cũ, từ sử dụng hóa chất qua sản xuất nông nghiệp xanh. Việc thay đổi này sẽ giúp thu hút hiệu quả sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, chuyên gia quốc tế về nông nghiệp tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Đắk Lắk.